Hướng dẫn lái xe ô tô cho người mới học - Làm quen với những thiết bị trên xe

Lái xe ô tô không đơn giản như điều khiển xe máy, vì vậy đối với những người mới bắt đầu học lái sẽ cảm thấy khó khăn và bối rối khi thực hiện các thao tác. Họ không biết bắt đầu từ đâu, thậm chí chưa thành thạo với các thông số và thiết bị trên xe. Đồng hành cùng bài viết sau đây để được hướng dẫn lái xe an toàn và chi tiết nhất khi mới bắt đầu học lái.

Việc học lái xe ô tô cần thời gian dài, sự chú tâm và kiên trì của người học. Để có thể thuần thục, điều khiển xe một cách an toàn và xử lý tốt mọi tình huống bất ngờ, bạn cần tuân thủ quy luật và làm quen với những thuật ngữ trong xe. Đây là yêu cầu cơ bản nhất, tạo nền tảng cho quá trình thực hành của bạn về sau.

Trước tiên, muốn thành tạo việc lái xe ô tô, người học cần làm quen và hiểu rõ về các thông số, thiết bị trên xe:

  • Ghế lái: Để có thể lái xe thoải mái nhất, bạn cần kiểm tra và điều chỉnh ghế lái sao cho vừa với tầm điều khiển vô lăng. Chỉ khi chỗ ngồi thoải mái, bạn mới có thể điều khiển xe dễ dàng và kịp thời xử lý các tình huống.

  • Vô lăng: Một trong các bộ phận đầu tiên bạn cần chú ý khi học lái xe ô tô đó là vô lăng. Bộ phận này giúp điều khiển chính xác hướng đi của ô tô. Thông thường vô lăng ô tô sẽ nằm bên trái, tuy nhiên một số quốc gia đặc biệt có thiết kế vô lăng ở bên phải. 

  • Dây an toàn: Ngay khi ngồi vào trong xe, bạn cần thắt dây an toàn để đảm bảo không bị ngã hay va đập nếu gặp các tình huống nguy hiểm bất ngờ. Đây là nguyên tắc cơ bản nhất và cũng là yêu cầu bắt buộc đối với người điều khiển xe ô tô. 

  • Gương: Đây cũng là bộ phận không kém phần quan trọng của xe, giúp người lái có góc nhìn rộng và dễ dàng quan sát xung quanh, đặc biệt là phía sau, tránh tai nạn hay những tình huống xấu xảy ra.

  • Công tắc còi điện: Thiết bị này giúp phát ra âm thanh để thông báo cho người và phương tiện di chuyển phía trước biết.

  • Công tắc điện: Khi ngồi vào trong xe, bạn nên bật tất cả các loại đèn để kiểm tra. Đèn được thiết kế ngay vị trí trục bên trái. Bạn điều khiển hệ thống này theo nguyên tắc: Nấc 1 đèn cốt, nấc 2 đèn pha, nếu xin đường thì gạt về phía trước hoặc sau.

  • Bàn đạp ly hợp - côn: Bộ phận này nằm ở bên trái của trục vô lăng lái, việc đóng hoặc mở ly hợp nhằm mục đích nối hoặc ngắt động lực từ động cơ đến HTML. Bàn đạp ly hợp - côn được sử dụng khi khởi động xe, chuyển số hay phanh.

  • Bàn đạp phanh chân: Nằm ở bên phải của trục vô lăng lái, vị trí giữa bàn đạp côn và bàn đạp ga, có tác dụng  giảm tốc độ hoặc làm dừng chuyển động của xe.

  • Bàn đạp ga: Có vị trí bên phải của trục vô lăng lái, bên cạnh bàn đạp phanh, giúp điều khiển lượng nhiên liệu cung cấp cho động cơ. 

  • Cần điều khiển phanh tay: Có tác dụng giữ xe đứng yên trên đường dốc và hỗ trợ cho phanh chân trong những trường hợp cần thiết.

  • Khóa điện: Gồm các ký hiệu như: ON - cấp điện hoàn toàn, Start - khởi động 1, ACC - cấp điện hạn chế, Lock - vị trí cắt điện.

  • Công tắc gạt nước bao gồm: Nấc 0 - ngừng gạt, nấc 1 - gạt từng lần, nấc 2 - gạt chậm, nấc 3 - gạt nhanh.

Hướng dẫn một số thao tác cần thiết trước khi lái 

Trước khi bắt đầu chuyển động xe, tài xế cần kiểm tra cẩn thận các thiết bị của xe, để đảm bảo không có bộ phận nào bị hỏng, gây nguy hiểm. Bên cạnh đó bạn cần chú ý đến các thao tác trước khi điều khiển xe như:

Chú ý cách ngồi:

  • Theo đúng hướng dẫn lái xe ô tô 4 bánh, khi ngồi vào xe, tài xế cần ngồi thẳng, đồng thời dựa lưng vào ghế sao cho thật thoải mái.

  • Thực hiện thao tác kéo ghế để đầu gối hơi chùng, đảm bảo chân có thể giẫm phanh côn, ga và các chuyển động khác một cách dễ dàng.

  • Điều chỉnh chiều cao của ghế ngồi đến khi đỉnh đầu cách trần xe khoảng một gang tay. Đối với trường hợp người thấp, bạn cần nâng ghế cao hơn để thuận lợi trong việc quan sát đường đi.

  • Tiếp theo, bạn cần nắm tay lên vị trí 12h của vô lăng, đồng thời điều chỉnh ghế để khuỷu tay hơi chúng xuống, tay vẫn nắm được vô lăng.

  • Chỉnh tựa đầu để đầu sát lên phần tựa khoảng 5 - 7 cm.

Chú ý cách đặt chân:

  • Tài xế cần tỳ gót chân lên sàn xe, dùng bàn chân đạp ga, phanh và côn.

  • Lưu ý không nhấc chân khỏi sàn xe và đạp xuống vì điều này khiến bạn dễ nhầm chân ga và chân phanh, gây xảy ra tai nạn.

  • Khi điều khiển xe số tự động, bạn không nên dùng một chân phanh, một chân ga riêng biệt. Hãy tì chân phải dịch về phía chân phanh và dùng gót chân làm trụ, đảm bảo có thể xoay như chiếc compa, xoay về phía bên trái là phanh, bên phải là ga. 

Thắt dây an toàn:

  • Đây là điều đầu tiên cần làm khi bạn ngồi vào ô tô, kể cả ghế chính hay ghế phụ, giúp đảm bảo an toàn tính mạng cho những người ngồi trong xe.

  • Việc dùng dây an toàn có thể hơi vướng víu khó chịu nhưng lại  tạo cảm giác vững chắc và an tâm trong quá trình điều khiển xe.

Điều chỉnh gương:

  • Tài xế cần chú ý điều chỉnh gương chiếu hậu ở cả bên trái và bên phải, trong và ngoài buồng lái sao cho dễ dàng quan sát 4 phía xung quanh.

  • Bạn nên chỉnh gương ngay khi vừa bước lên xe, không được chỉnh trong quá trình lái vì rất dễ gây tai nạn giao thông.

Hướng dẫn lái xe ô tô cho người mới bắt đầu

Như đã nói việc điều khiển thuần thục xe ô tô không đơn giản như khi bạn chạy xe máy, cần quá trình học hỏi, luyện tập kiên trì và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản nhất. Sau khi đã làm quen với các bộ phận của xe, đồng thời thực hiện đầy đủ các thao tác trước khi lái, bạn sẽ được hướng dẫn lái xe 4 bánh với một số thao tác nâng cao hơn:

Hướng dẫn tập lái xe ô tô - Khởi động và di chuyển xe

Đối với xe số sàn, bạn cần đưa về số 0 trước khi khởi động máy. Sau đó khởi động máy ở vị trí P hoặc N, bạn kết hợp vặn khóa cho xe khởi động. Lúc này, chân trái đạp hết côn, đồng thời tay đẩy cần lên vị trí số 1, nhả chân côn từ từ tránh làm chết máy, di chuyển chân phải từ chân phanh sang chân ga và đạp từ từ. Bạn tiếp tục nhả côn cho tới khi xe bắt đầu di chuyển.

Kỹ năng ra vào số đúng tốc độ

Việc thành thục kỹ năng ra vào số giúp tăng độ bền cho xe và đảm bảo an toàn cho tài xế trong quá trình lái xe. Rất nhiều người có thói quen sang số khi máy chưa đủ vòng tua, điều này khiến xe bị ì, không thoát máy và đạp xe ga không thể tăng tốc được.

Các hãng xe khác nhau có ngưỡng sang số không giống nhau, tuy nhiên mức trung bình thường là 2500 vòng mỗi phút nếu từ số 1 vào số 2. Việc sang số đúng tốc độ cùng thao tác sang số nhanh giúp bạn dễ dàng xử lý các chướng ngại vật khi di chuyển trên đường.

Tỷ lệ tương đối thay đổi số đúng tốc độ là:

  • Nếu tốc độ dưới 10km/h nên đi số 1

  • Nếu tốc độ 10 - 20km/h, đi số 2

  • Nếu tốc độ từ 20 - 30km/h nên đi số 3

  • Nếu tốc độ từ 30 - 40km/h nên đi số 4

  • Nếu tốc độ từ 40km trở lên nên đi số 5.

Hướng dẫn lái xe với thao tác sang số cho người mới bắt đầu

Sang số là một trong các thao tác cần thiết khi bạn điều khiển xe ô tô. Việc sử dụng các cần số giúp bạn lái xe một cách chính xác và toàn, đồng thời bảo vệ động cơ máy bền bỉ hơn. Khi sang số, bạn cần chú ý quy trình sau:

Chuyển từ số 0 sang số 1

  • Xe ô tô không thể chuyển động nếu đang ở số 0.

  • Số 1 có lực kéo lớn nhất, tuy nhiên tốc độ chậm nhất, thường được dùng khi xe bắt đầu di chuyển hoặc đang leo dốc cao.

  • Để thực hiện chuyển từ số 0 sang số 1, bạn kéo nhẹ cần và đẩy về phía số 1.

Chuyển từ số 1 sang số 2

  • Số 2 có lực kéo nhỏ hơn số 1 nhưng tốc độ nhanh hơn.

  • Bạn tiến hành kéo nhẹ cần về số 0 sau đó đẩy về số 2 để chuyển từ số 1 sang số 2.

Chuyển từ số 2 sang số 3

  • Số 3 có lực kéo nhỏ hơn số 2 nhưng tốc độ nhanh hơn.

  • Bạn tiến hành đẩy cần về số 0, sau đó đẩy vào số 3 nếu muốn chuyển từ số 2 sang 3.

Chuyển từ số 3 sang 4

  • Số 4 có lực kéo nhỏ hơn nhưng vận tốc nhanh hơn so với số 3.

  • Bạn thực hiện đẩy cần về số 0 sau đó đẩy vào số 4 nếu muốn chuyển từ số 3 sang số 4.

Chuyển từ số 4 sang số 5

  • Tương tự, số 5 có lực kéo nhỏ hơn nhưng tốc độ lớn hơn số 4.

  • Bạn kéo cần về số 0, sau đó đẩy vào số 5 để chuyển từ số 4 sang số 5.

Thao tác lái xe ô tô khi gặp nhiều đèn đỏ

Khi điều khiển xe ô tô tại các khu đô thị và thành phố lớn, việc gặp đèn tín hiệu giao thông là điều khó tránh khỏi. Lúc này bạn cần thuần thục các thao tác lái xe để thuận lợi xử lý tình huống.

Đầu tiên, bạn cần đạp phanh chân để xe dừng hẳn, đồng thời giữ chân ở vị trí bàn đạp phanh. Nếu thời gian dừng đèn ít hơn 10 giây, bạn giữ nguyên chân phanh, chờ đèn xanh thì chuyển sang chân ga để đi.

Nếu thời gian chờ đèn đỏ nhiều hơn 10 giây, bạn nên chuyển cần số về N, cùng với đó nhá phanh để xe dừng lại. Khi đèn xanh bật, bạn chỉ cần đạp phanh và đẩy cần số về vị trí D, đồng thời chuyển chân phanh sang chân ga và di chuyển bình thường. 

Hướng dẫn sử dụng chân côn hợp lý

Bạn cần chú ý nếu đột ngột cho côn tiếp xúc với bánh đà của máy hoặc tốc độ bánh đà và sơ cấp ly hợp khi tiếp xúc với nhau không cùng vận tốc hay vận tốc xe với vòng tua của máy không phù hợp là những nguyên nhân khiến côn mau mòn.

Trong khi đạp hoặc nhả côn, nếu xe của bạn không khựng lại hay vọt lên, có nghĩa bạn đang thao tác đúng. Các bước sử dụng chân côn bao gồm:

  • Bắt đầu, bạn đạp hết côn và vào số 1.

  • Nhấn nhẹ chân ga để máy khỏe hơn cho đến khi vòng tua lên mức 1500 vòng mỗi  phút là được.

  • Quan sát các phía xung quanh để đảm bảo an toàn, cuối cùng thả từ từ chân côn.

  • Nếu cần vượt chướng ngại vật ở nơi đông người, bạn nên rà côn để đảm bảo an toàn, trong trường hợp chạy đường xấu, hãy cắt côn tùy lúc để xe không bị giằng, giật.

Cần chú ý khi dùng phanh tay 

Rất nhiều trường hợp tài xế sử dụng phanh tay để đề pa ngang dốc và siết phanh tay khi có dấu hiệu tụt dốc. Tuy nhiên mục đích của phanh tay không dùng để dừng khi xe đang chạy mà chỉ có tác dụng giữ xe đứng yên khi xe đã dừng. 

Nếu bạn dùng phanh tay để dừng xe sẽ có thể xảy ra trường hợp phanh không nhả ra hoàn toàn khi xe đang chạy, từ đó khiến phanh dễ bị mòn, có hiện tượng trượt bố phanh, đồng thời nhiệt phát sinh dễ làm sôi dầu phanh làm phanh mất tác dụng.

Thao tác dừng xe

Khi dừng xe cần đến phanh xe. Tuy nhiên bạn cần chú ý chỉ nên phanh khi xe đang còn số và không để về mo mới phanh. Nhiều người có thói quen chuyển số về vị trí N rồi để xe trôi theo quan tính, điều này gây nhiều nguy hiểm, đặc biệt khi bạn đang chạy trên đường dốc.

Thao tác dừng xe được thực hiện như sau:

  • Bạn phanh xe cho đến khi tốc độ vòng tua của máy lớn hơn chế độ chạy không tải, sau đó đạp hết chân côn đồng thời đưa cần số về vị trí N.

  • Tiếp tục đạp phanh để xe di chuyển gần đến vị trí cần dừng. Lúc này khi xe chạy ở tốc độ 20 km/h, bạn bỏ phanh để xe lăn từ từ. Chú ý đạp phanh khi xe đã đến chỗ dừng để tránh tình trạng xe bị trôi, cuối cùng bạn cắt côn, cài số về P và kéo phanh tay.

Những lưu ý khi học lái xe ô tô

Để có thể điều khiển xe ô tô một cách an toàn, tài xế cần chú ý một số vấn đề sau:

  • Bạn cần ghi nhớ các thao tác chuyển số: Đây là thao tác cơ bản nhất khi điều khiển xe ô tô, việc chuyển số đúng cách giúp tránh hư hỏng thiết bị bên trong và việc di chuyển thuận lợi hơn. Nên chuyển số thường xuyên trong quá trình lái xe.

  • Không nên lạm dụng số N: Khi lái xe bạn nên hạn chế về số 0 đột ngột, thay vào đó khi cần dừng đèn đỏ hay chuẩn bị đỗ xe, nên chủ động về số thấp để giảm tốc độ từ từ. Nếu về số 0 khi đang xuống dốc sẽ khiến phanh chân và phanh tay không phát huy được hết tác dụng, dễ có nguy cơ gây tai nạn.

  • Phân biệt chân phanh, chân côn và chân ga: Nếu không phân biệt được hoặc vô tình đạp nhầm chân phanh, chân côn và chân ga dễ gây nguy hiểm cho bạn và những người khác tham gia giao thông.

  • Chú ý khi dùng phanh tay: Phanh tay được thiết kế với công dụng giữ xe đứng yên khi đang dừng, đặc biệt là đoạn đường dốc, không nên dùng phanh tay khi xe đang chạy.

  • Giữ khoảng cách an toàn với các xe khác: Khi điều khiển xe ở khu vực nhiều phương tiện đi lại, bạn cần chú ý giữ khoảng cách an toàn với các xe phía trước và phía sau, tránh va chạm hay những sự cố bất ngờ.

Trên đây là hướng dẫn lái xe chi tiết cho người mới bắt đầu. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản, giúp ích cho bạn trong quá trình tập luyện và điều khiển xe ô tô ngoài thực tế. 

Bình luận