Cách đánh lái khi vào cua không phải là một kỹ thuật phức tạp, chỉ cần bạn tập trung và xác định đúng thời điểm bẻ lái là có thể hoàn thành thao tác này. Dưới đây là những chỉ dẫn và kinh nghiệm đánh lái vào cua bạn có thể tham khảo để tự tin tham gia giao thông hoặc vượt qua các kỳ thi cấp giấy phép lái xe.
Kỹ thuật đánh lái vào cua ô tô cần bao gồm những gì?
Yếu tố quan trọng đầu tiên của kỹ thuật đánh lái vào cua chính là cầm vô lăng đúng cách. Việc này giúp lái xe có những đường cua chính xác và hạn chế những sai sót như cua không tới hoặc quá đà khiến xe chệch khỏi vị trí mong muốn. Bạn hãy tưởng tượng vô lăng ô tô là một mặt của chiếc đồng hồ, tay trái đặt ở vị trí 9 giờ, tay phải ở vị trí 3 giờ. Trong khi điều khiển ô tô, 4 ngón tay chính ôm vào vành vô lăng, ngón tay cái đặt dọc theo vành quay.
Vị trí đặt tay trên vô lăng chuẩn xác
Thêm vào đó, khi điều khiển xe bạn cần điều chỉnh ghế xe phù hợp với cơ thể sao cho tư thế ngồi được thoải mái nhất. Tốt nhất, bạn nên ngồi tựa lưng sát vào ghế, vai và tay thả lỏng tự nhiên.
Sau khi các bước chuẩn bị hoàn tất, bạn hãy thực hiện cách đánh lái khi vào cua với 4 bước chính sau đây:
Thực hiện quan sát bao quát từ xa
Trước khi vào cua, bạn cần chú ý quan sát một cách bao quát từ xa tới gần. Việc này giúp bạn xác định một cách chính xác về độ rộng hẹp của khúc cua, độ dài quãng đường cua hoặc chất lượng mặt đường có vấn đề gì như gồ ghề, trơn trượt hay không.
Kỹ năng quan sát này vô cùng cần thiết, ngoài việc giúp bạn đánh giá ngoại cảnh để đưa ra một cú bẻ lái an toàn, chính xác, quan sát kỹ càng còn giúp bạn hạn chế gây ra những va chạm hoặc tai nạn không mong muốn.
Giảm tốc độ xe trước và trong khi vào cua
Giảm tốc độ xe trước và khi tiến hành vào cua giúp bạn dễ dàng làm chủ được mọi tình thế. Đầu tiên, với tốc độ chậm, việc cua sẽ dễ dàng và đi theo đúng mong muốn của bạn, đồng thời bạn cũng sẽ dễ dàng sửa lại những sai sót nếu có. Thêm vào đó, trong trường hợp xuất hiện những tình huống bất ngờ phát sinh, bạn sẽ có thời gian quan sát và kịp thời xử lý tình huống.
Giảm tốc độ khi cua là việc lái xe cần thực hiện để đảm bảo an toàn
Nếu gần đến vị trí cua bạn vẫn duy trì tốc độ cao rồi đánh lái gấp rất dễ khiến xe bị thừa lái hay thiếu lái, dẫn đến khó kiểm soát, thậm chí gây ra những tai nạn mất lái nghiêm trọng. Phanh gấp khi vào cua cũng rất nguy hiểm bởi vì bánh xe dễ bị mất độ bám làm xe bị trượt hoặc va chạm.
Cách đánh lái khi vào cua chuẩn xác và hiệu quả cao
Khi đánh lái vào cua, bạn cần chú ý những điểm như sau:
-
Từ độ cong của góc cua bạn cần tính toán và ước lượng số vòng đánh lái sao cho phù hợp, để có thể đánh lái một cách thật mượt trong một lần.
-
Nên hạn chế việc đánh lái nhiều lần, điều này sẽ khiến xe mất ổn định hoặc gây ùn tắc cục bộ nếu ở trong ngõ nhỏ, hẹp hoặc trên đường có mật độ giao thông cao.
-
Nếu xem xét thấy góc cua quá dài, bạn có thể nhích thêm để cho xe trở về đúng quỹ đạo.
Có 2 cách đánh vô lăng khi vào cua là đánh lái kéo đẩy và đánh lái chéo tay. Mỗi cách đánh lái đều có những ưu nhược điểm riêng, cụ thể như sau:
-
Đánh lái chéo đẩy có ưu điểm chính là phạm vi hoạt động của tay linh hoạt, vì thế dễ dàng định hướng chính xác các tình huống bất ngờ để có thể xử lý tốt, hạn chế rủi ro.
-
Đánh lái chéo tay ưu điểm là nhanh hơn đánh lái chéo đẩy nhưng phạm vi hoạt động lại bị hạn chế hơn, do vậy, cách đánh lái này phù hợp khi vào cua ở ngõ nhỏ, tốc độ cua thấp.
Sau khi đánh lái vào cua, bạn hãy giữ nguyên góc xoay cho đến khi xe ô tô chuẩn bị thoát cua. Trong một số trường hợp, góc cua xe có độ cong thay đổi liên tục, bạn có thể xoay thêm hoặc trả lái phù hợp và linh động theo từng tình huống thực tế. Một điều lưu ý nữa là khi vào cua bạn cần phải giữ chắc tay lái.
Cách đánh lái khi vào cua hiệu quả cần phải giữ chắc tay lái
Trả lái thoát cua để xe trở về quỹ đạo di chuyển thẳng
Khi thoát cua, bạn cần tiến hành trả lái bằng cách xoay ngược vô lăng để xe trở về quỹ đạo ban đầu. Bạn có thể thực hiện theo nguyên tắc cua đánh lái bao nhiêu vòng thì khi trả lái đánh ngược lại bấy nhiêu.
Lưu ý khi trả lái nên duy trì tốc độ chậm, tuyệt đối không nên trả lái quá nhanh hay để vô lăng tự quay mà cần phải đảm bảo vô lăng trong tầm kiểm soát dù ở thời điểm nào.
Một số lưu ý khi thực hiện cách đánh lái khi vào cua
Đi kèm với những kỹ thuật đánh lái ô tô khi vào cua, bạn cần phải ghi nhớ các yếu tố sau để có thể bẻ lái thuần thục, ít sai sót:
Thời điểm đánh lái khi vào cua hợp lý
Việc xác định chính xác thời điểm bẻ lái cho ra những đường cua chuẩn và nhanh chóng nhất. Với những tài xế có kinh nghiệm đánh lái khi vào cua, cảm quan về thời điểm bẻ lái rất chuẩn xác, hầu hết chỉ cần một lần đánh lái là có thể vào cua mượt mà.
Cụ thể bạn có thể xác định thời điểm như sau:
-
Với những tình huống cua có góc cua vuông góc, thời điểm đánh lái tốt nhất là lúc gương chiếu hậu thẳng với góc vuông của cua. Trong quá trình thực hiện, bạn cũng cần cố gắng hết lái để vòng cua thu hẹp lại, không chiếm nhiều phần đường của người khác gây ra ùn tắc đường.
-
Với những góc cua vòng không quá zíc zắc, bạn có thể bẻ lái một cách từ từ, căn chỉnh thời điểm gấp khúc nhất thẳng với đường gương để tiến hành cua vào.
Nguyên tắc tốc độ xe ngược với tốc độ đánh lái
Theo nguyên tắc đánh lái xe ô tô khi vào cua của các chuyên gia, tốc độ xe phải ngược với tốc độ đánh lái. Cụ thể là, nếu tốc độ xe lớn, cần đánh lái chậm rãi, từ từ. Trái lại nếu tốc độ xe di chuyển chậm thì cần đánh lái nhanh hơn. Đặc biệt trong một số trường hợp, nếu xe vào cua với tốc độ cao, bạn nên hạn chế đánh lái nhiều để giữ sự ổn định và cân bằng cho xe.
Nguyên tắc cua xe là tốc độ xe ngược với tốc độ đánh lái
Số vòng quay vô lăng khi vào cua như thế nào là phù hợp?
Rất nhiều bạn mới học lái luôn thắc mắc, nếu vào cua thì quay bao nhiêu vòng vô lăng là phù hợp và an toàn. Điều này còn tùy vào tình hình thực tế và những trường hợp trực tiếp xảy đến.
Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn hãy quan sát tỉ mỉ, thực hiện vào cua chậm rãi. Nếu đánh lái mà vẫn thấy đầu xe hướng về phía lưng (phía ngoài), cần phải đánh lái tiếp. Hoặc nếu đánh lái mà thấy đầu xe bị hướng nhiều về phía bụng (phía trong), nên trả lái một chút để cân chỉnh cho phù hợp. Chắc chắn là việc đánh lái vào cua ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn và bạn phải thực hiện đánh lái nhiều lần mới có thể ước lượng chính xác. Sau khi thực hiện nhiều lần, cố gắng quan sát và chỉnh chu hơn bạn, sẽ gia tăng thêm kinh nghiệm và sẽ tự biết được số vòng quay phù hợp.
Trên đây là tất cả các thông tin về cách đánh lái khi vào cua cho bạn đọc tham khảo. Hy vọng với những kinh nghiệm trên sẽ phần nào giúp bạn có những mẹo bẻ lái chính xác, nhanh chóng và an toàn khi tham gia giao thông.
Bình luận